– Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này
– Khoản 2 Điều 3 Luật trọng tài thương mại: “Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh…”.
Như vậy, để đưa tranh chấp thương mại ra giải quyết trước hội đồng trọng tài, các bên cần phải có một thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài đại diện cho ý chí của các bên rằng, họ muốn tranh chấp được giải quyết theo phương thức trọng tài.
Thỏa thuận trọng tài có thể có trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Việc này có nghĩa là thỏa thuận trọng tài có thể được các bên ký kết ngay trong hợp đồng ban đầu (lúc chưa phát sinh tranh chấp), cho đến khi xảy ra tranh chấp thì các bên có thể thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng cho dù trước hoặc sau tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài phải được thống nhất giữa hai bên bằng văn bản.
Những tranh chấp thương mại có thể giải quyết thông qua trọng tài
Theo Điều 2 Luật trọng tài thương mại, thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp giữa các bên mà pháp luật được giải quyết bằng trọng tài.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
– Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
– Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.