Khi có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực… thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài.
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo.
Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ, Điều 35 Luật trọng tài thương mại 2010).
Theo đó: Bản tự bảo vệ gồm có các nội dung sau đây:
– Ngày, tháng, năm làm bản tự bảo vệ;
– Tên và địa chỉ của bị đơn;
– Cơ sở và chứng cứ tự bảo vệ, nếu có;
– Tên và địa chỉ của người được bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.
Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ.
Trường hợp bị đơn không nộp bản tự bảo vệ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành.
Bước 3: Thành lập Hội đồng trọng tài.
Bước 4: Hòa giải (theo Điều 58 Luật trọng tài thương mại 2010).
Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.
Bước 5: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (Điều 55 Luật trọng tài thương mại 2010).
Thành phần, thủ tục phiên họp giải quyết tranh chấp gồm có:
– Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.
– Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quy định; đối với Trọng tài vụ việc do các bên thỏa thuận.
Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết.